Chương V

 

Ngày của mọi ngày – Dies Dierum

Chúa Nhật: Ngày Lễ Nguyên Thủy Tỏ Hiện Ý Nghĩa của Thời Gian

 

 

Chúa Kitô là Alpha và Omega của thời gian

 

74.          “Theo Kitô Giáo, thời gian có tính cách rất quan trọng. Trong chiều kích của thời gian thế giới đã được tạo thành; trong thời gian, lịch sử cứu độ đã được tỏ hiện, lên đến tột đỉnh của mình nơi ‘thời điểm viên trọn’ của biến cố Nhập Thể, và đích điểm của thời gian là việc Con Thiên Chúa trở lại vào lúc ngày cùng tháng tận. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể, thời gian trở thành một chiều kích của Thiên Chúa, Đấng tự mình hằng hữu” (118).

 

Theo chiều hướng của Tân Ước thì những năm tháng của cuộc đời Chúa Kitô sống trên trần gian là những gì làm nên tâm điểm của thời gian, tâm điểm này đạt tới tuyệt đỉnh của nó ở biến cố Phục Sinh. Quả thực Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã hóa thân làm người từ chính giây phút Người được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ, thế nhưng chỉ nơi biến cố Phục Sinh nhân tính của Người mới hoàn toàn được biến đổi và hiển vinh, nhờ đó mới cho thấy tất cả căn tính và vinh quang thần linh của Người. Trong bài nói tại hội đường Antioch ở Pisidia (x Acts 13:33), Thánh Phaolô đã áp dụng những lời của Thánh Vịnh 2 vào việc Phục Sinh của Chúa Kitô: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’ (câu 7). Chính vì lý do này mà, trong cuộc cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội mới tôn tụng Chúa Kitô Phục Sinh là ‘Nguyên Thủy và là Cùng Đích, là Alpha và Omega’. Đó là những lời được thốt ra từ vị cử hành khi sửa soạn cây nến Phục Sinh là cây nến mang con số của năm tháng đương thời. Những lời ấy hiển nhiên chứng thực là “Chúa Kitô là Chúa của thời gian; Người là nguyên thủy và là cùng đích của thời gian; mỗi năm, mỗi ngày và mỗi giây phút đều được gồm tóm trong cuộc Nhập Thể và Phục Sinh của Người, nên chúng thuộc về ‘thời gian viên trọn’” (119).

 

75.          Vì Chúa Nhật là Lễ Phục Sinh hằng tuần, nhắc nhở và hiện thực ngày Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết, mà nó cũng là ngày cho thấy ý nghĩa của thời gian. Nó không dính dáng gì tới các chu kỳ của vũ trụ mà theo đó tôn giáo tự nhiên và văn hóa con người có khuynh hướng muốn áp đặt một cơ cấu về thời gian, đến nỗi đành phải chấp nhận cái huyền thoại về một thứ luân hồi đời đời kiếp kiếp. Ngày Chúa Nhật của Kitô Giáo hoàn toàn khác hẳn! Xuất phát từ biến cố Phục Sinh, nó cắt ngang thời gian của con người, những tháng năm, các thế kỷ, như một mũi tên định hướng nhắm tới mục tiêu của nó, đó là việc Chúa Kitô Đến Lần Thứ Hai. Ngày Chúa Nhật báo trước ngày tận cùng, ngày Parousia – ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ngày mà, một cách nào đó, đã được vọng tỏa từ vinh quang của Chúa Kitô nơi biến cố Phục Sinh.

 

Thật vậy, những gì sẽ xẩy ra cho tới ngày cùng tháng tận của thế giới sẽ không còn là gì khác ngoài việc kéo dài và tỏ hiện những gì đã xẩy ra vào ngày thân xác bị dập nát của Chúa Kitô Tử Giá được phục sinh bởi quyền năng của Thần Linh và nhờ đó trở thành mạch nguồn Thần Linh cho tất cả nhân loại. Kitô hữu biết rằng không cần phải đợi chờ một thời điểm cứu độ nào khác nữa, vì, cho dù thế giới này có kéo dài đến đâu đi nữa, thì họ cũng đã sống trong những thời sau hết. Chẳng những Giáo Hội mà còn cả chính vũ trụ cùng lịch sử cũng liên lỉ được cai trị và quản trị bởi Chúa Kitô vinh hiển. Chính quyền năng sự sống này là những gì đẩy mạnh tạo vật, ‘đang quằn quại cho tới nay’ (Rm 8:22), hướng tới đích điểm hoàn toàn được cứu chuộc của mình. Nhân loại có thể có một trực giác mong manh về tiến trình này, thế nhưng Kitô hữu nắm được chính cái then chốt và niềm tin tưởng. Việc giữ cho Ngày Chúa Nhật thánh hảo là chứng từ quan trọng họ được kêu gọi để thực hiện, nhờ đó, hết mọi giai đoạn của lịch sử loài người được thăng hoa trong hy vọng.

 

Chúa Nhật trong Phụng Niên

 

76.          Qua việc tái diễn hằng tuần, Ngày của Chúa được bắt nguồn từ truyền thống cổ kính nhất của Giáo Hội và là những gì hết sức quan trọng đối với Kitô hữu. Thế nhưng, cũng có một tiến trình nữađã sớm tự hình thành đó là chu kỳ phụng vụ hằng năm. Thật vậy, tâm lý con người muốn cử hành những dịp kỷ niệm, liên quan đến việc trở về của những ngày tháng thuộc các biến cố quá khứ đáng tưởng nhớ. Khi những biến cố ấy là những gì quan trọng nơi đời sống của một người thì chúng thường tạo nên bầu khí vui mừng, khác với tính cách đơn thuần tẻ nhạt của thói quen hằng ngày.

 

Vậy, theo ý định của Thiên Chúa, các đại biến cố cứu độ mà nhờ đó Giáo Hội được hình thành đều có liên quan chặt chẽ với các lễ hằng năm của dân Do Thái là Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần, và được tiên báo trước nơi những lễ ấy. Từ thế kỷ thứ hai, việc cử hành Lễ Phục Sinh hằng năm của Kitô hữu – khi việc cử hành Phục Sinh hằng tuần được thêm vào – đã giúp làm tăng thêm hơn nữa việc suy tưởng mầu nhiệm Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Được mở đầu bằng việc chay tịnh dọn lòng, được cử hành bằng một lễ vọng dài, được kéo dài thành 50 ngày cho tới lễ Hiện Xuống, lễ Phục Sinh – ‘lễ trọng nhất trong các lễ trọng’ – trở thành một ngày tuyệt hảo cho việc thành phần dự tòng gia nhập đạo. Nhờ phép rửa, họ chết đi cho tội và phục hồi một sự sống mới vì Chúa Giêsu ‘đã chết đi cho tội lỗi của chúng ta và đã sống lại cho chúng ta được công chính hóa’ (Rm 4:25, 6:3-11). Liên kết chặt chẽ với Mầu Nhiệm Vượt Qua, Lễ Trọng Hiện Xuống mang một tầm vóc đặc biệt quan trọng, cử hành việc Thánh Linh hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ bấy giờ đang qui tụ bên Mẹ Maria, và mở màn cho sứ vụ truyền giáo cho tất cả mọi dân nước (120).

 

77.          Lý lẽ về việc tưởng nhớ tương tự đã hướng dẫn việc sắp xếp cả Năm Phụng Vụ. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở là Giáo Hội muốn cho cả một năm tràn đầy ‘trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, từ biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày Hiện Xuống và đến cuộc hy vọng đợi trông việc Chúa trở lại. Nhờ việc tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Giáo Hội mở ra cho tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp của Chúa, làm cho những sự này hiện diện một cáchnào đó qua mọi thời đại, để tín hữu có thể tiến tới với những sự này và được những sự ấy làm tràn đầy ơn cứu độ’ (121).

 

Sau Phục Sinh và Hiện Xuống, cuộc cử hành long trọng nhất chắc chắn là Lễ Chúa Giáng Sinh, thời điểm Kitô hữu suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và chiêm ngưỡng Lời Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương mặc lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta được thông phần vào thần tính của Người.

 

78.          Cũng thế, ‘trong việc cử hành chu kỳ hằng năm các mầu nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh đặc biệt mến yêu tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vị muôn đời được liên kết với công cuộc cứu độ của Con Mẹ’ (122). Tương tự như vậy, bằng việc đưa vào chu kỳ hằng năm việc tưởng nhớ các thánh tử đạo và các thánh khác nhân dịp kỷ niệm của các vị, ‘Giáo Hội loan báo mầu nhiệm Phục Sinh của các thánh, những vị đã chịu khổ với Chúa Kitô và giờ đây cùng Người đang được vinh quang’ (123) Khi cử hành theo tinh thần thực sự của phụng vụ, thì việc tưởng niệm các thánh không làm lu mờ đi tính cách trọng yếu của Chúa Kitô, mà trái lại, còn đề cao tính cách này nữa, khi thực sự cho thấy quyền năng cứu chuộc do Người mang lại. Thánh Paulinus Nola xướng lên rằng: ‘Tất cả mọi sự qua đi, thế nhưng vinh quang của các thánh tồn tại trong Chúa Kitô, Đấng canh tân tất cả mọi sự, trong khi chính Người tồn tại không đổi thay’ (124). Mối liên hệ nội tại giữa vinh quang của các thánh với vinh quang của Chúa Kitô làm thành diễn tiến của Năm Phụng Vụ, và được thể hiện sống động nhất nơi tính chất sâu xa chủ yếu của Chúa Nhật là Ngày của Chúa. Việc theo dõi các mùa của Phụng Niên từ đầu đến cuối nơi vấn đề giữ Ngày Chúa Nhật, việc dấn thân về giáo hội và thiêng liêng của người Kitô hữu tiến đến chỗ sâu xa gắn liền với Chúa Kitô, với Đấng tín hữu thấy được lý do để sống và là Đấng nhờ Người họ được đỡ nâng và hứng khởi.

 

79.          Bởi thế, Chúa Nhật hiện lên như là một mẫu mực tự nhiên cho việc hiểu biết và cử hành những ngày lễ ấy của Phụng Niên, những ngày lễ có một giá trị đối với đời sống Kitô hữu ở chỗ Giáo Hội đã muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chúng khi làm cho chúng trở thành những gì buộc tín hữu phải tham dự Thánh Lễ và giữ giờ giấc nghỉ ngơi, cho dù những ngày lễ ấy có rơi vào các ngày khác trong tuần (125). Số những ngày lễ ấy đã được đổi thay tùy thời, vì những điều kiện về xã hội và kinh tế, và chúng đã được truyền thống thiết lập một cách vững chắc cùng được luật lệ dân sự hỗ trợ rất nhiều (126).

 

Các khoản giáo luật và phụng vụ hiện nay cho phép mỗi một Hội Đồng Giám Mục, vì hoàn cảnh riêng biệt nơi xứ sở của mình, có thể giảm bớt danh sách Các Lễ buộc. Bất cứ quyết định nào về vấn đề này cũng cần phải được Tòa Thánh đặc biệt phê chuẩn (127), và trong những trường hợp như thế, việc cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, như Lễ Hiển Linh, Thăng Thiên hay Mình Máu Thánh Chúa, cần phải dời vào Chúa Nhật, theo các qui tắc phụng vụ, nhờ đó tín hữu không mất cơ hội suy niệm về mầu nhiệm ấy (128). Các vị Chủ Chiên cũng cần phải để ý khuyến khích tín hữu tham dự Thánh Lễ vào các ngày lễ khác được cử hành trong tuần (129).

 

80.          Cần phải đặc biệt quan tâm về mục vụ tới nhiều trường hợp có nguy cơ là các truyền thống dân gian và văn hóa của một miền nào đó len lỏi vào việc cử hành các Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ phụng vụ khác, pha trộn tinh thần của đức tin chân thực Kitô giáo với những yếu tố xa lạ với tinh thần này và có thể làm méo mó tinh thần ấy. Trong những trường hợp như vậy, giáo lý và những sáng kiến khôn ngoan về mục vụ cần phải làm sáng tỏ những trường hợp ấy, loại trừ đi tất cả những gì bất xứng hợp với Phúc Âm của Chúa Kitô. Đồng thời cũng không được quên rằng những truyền thống này – và, tương tự như thế, có cả một số những sáng kiến về văn hóa mới đây trong xã hội dân sự – thường hiện thực các thứ giá trị không khó khăn trong việc hội nhập với các đòi hỏi của đức tin. Các Vị Mục Tử cần phải khôn ngoan sáng suốt trong việc bảo trì những thứ giá trị chân thực nơi văn hóa của một môi trường xã hội riêng biệt nào đó, nhất là nơi lòng đạo đức phổ thông, nhờ đó, việc cử hành phụng vụ – nhất là vào Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng – không bị thiệt thòi mà thực sự mang lại lợi ích (130).